Các chỉ báo kinh tế quan trọng
Giao dịch theo xu hướng sử dụng rất nhiều phân tích kỹ thuật, bao gồm cả các mô hình đồ thị và chỉ báo kỹ thuật. Các chỉ báo, về cơ bản, là các công cụ xử lý thông tin giá tài sản bằng cách áp dụng các công thức toán học khác nhau và biến nó thành thông tin trực quan – chẳng hạn như đồ thị hoặc dao động (oscillator), từ đó nhà giao dịch có thể quan sát được các tín hiệu vào lệnh hoặc thoát lệnh. Thông qua phân tích dữ liệu giá, các chỉ báo có thể cung cấp những thông tin hữu ích về sức mạnh của xu hướng, động lượng, các điểm thay đổi xu hướng và khả năng đảo chiều. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi các chỉ báo được coi là công cụ phân tích kỹ thuật quan trọng nhất đối với các nhà giao dịch theo xu hướng.
Các chỉ báo có thể được chia thành ba loại khác nhau với các đặc điểm chung. Đó là các chỉ báo giá, chỉ báo khối lượng giao dịch và chỉ báo dao động (oscillator). Các chỉ báo giá giúp bạn đánh giá xu hướng chuyển động giá một cách tổng thể. Các chỉ báo khối lượng giao dịch giúp đánh giá tâm lý thị trường. Các chỉ báo dao động có thể giúp bạn xác định mức độ thay đổi của xu hướng chung.
Trên thực tế, không phải chỉ có một cách duy nhất để giao dịch trên thị trường forex. Do đó, các nhà giao dịch cần biết rằng có nhiều loại chỉ báo có thể giúp xác định thời điểm tốt nhất để mua hoặc bán một cặp tiền forex. Chúng ta sẽ tìm hiểu một số chỉ báo kỹ thuật quan trọng nhất và được sử dụng thường xuyên nhất sau đây:
Đường trung bình động
Có hai loại đường trung bình động – đường trung bình động đơn giản và đường trung bình động hàm mũ (SMA và EMA). Đường trung bình động được tính bằng cách lấy tổng giá đóng cửa trong một khoảng thời gian nhất định chia cho khoảng thời gian đó. SMA được tính theo cách này, và do đó được coi là “đơn giản”. Trong khi đó, EMA áp dụng phương pháp tính tương tự nhưng nhấn mạnh hơn vào tỷ trọng giá đóng cửa gần nhất, đó là lý do tại sao nó được gọi là “hàm mũ”.
Trên hết, tất cả phụ thuộc vào kinh nghiệm và phong cách giao dịch của bạn. EMA có thể cung cấp cho bạn nhiều tín hiệu sớm, nhưng nó cũng có thể đánh lừa bạn bằng nhiều tín hiệu sai và chưa hoàn chỉnh. Ngược lại, SMA cung cấp ít tín hiệu hơn với tần suất thấp hơn, nhưng nó hiếm khi đưa ra các tín hiệu sai khi giá biến động.
Cài đặt khoảng thời gian nào là phù hợp?
Khi lựa chọn một loại đường trung bình động cụ thể, nhà giao dịch cần tự cân nhắc sử dụng khoảng thời gian phù hợp để chỉ báo có thể đưa ra các tín hiệu chính xác nhất. Ví dụ, nếu bạn là một nhà giao dịch ngắn hạn, bạn sẽ cần một đường trung bình động với khoảng thời gian ngắn và phản ứng ngay lập tức với những biến động giá. Khi nói đến độ dài khoảng thời gian, 3 khoảng thời gian phổ biến cho đường trung bình động bao gồm: 9-10 ngày, 21 ngày và 50 ngày.
Trung bình động hội tụ phân kỳ (MACD)
Thay vì chỉ nhìn vào một đường trung bình động, MACD sử dụng cả 3 đường EMA. Hai đường EMA đầu tiên được sử dụng để tạo ra một biểu đồ tần suất, trong khi đường thứ ba tạo thành đường tín hiệu. Vì MACD sử dụng ba đường EMA khác nhau nên nó được coi là một chỉ báo đáng tin cậy hơn nhiều. Tín hiệu giao dịch được tạo ra tại điểm mà đường tín hiệu cắt với các cột của biểu đồ tần suất. Đường tín hiệu cắt từ bên ngoài cột xuống phía dưới được gọi là tín hiệu tăng giá và ngược lại.
Đi sâu hơn, vị trí và độ cao của các cột trong biểu đồ được sử dụng để thể hiện sức mạnh của xu hướng hiện tại. Các cột này có thể nằm ở phía trên hoặc dưới đường trung tâm. Các cột nằm phía trên cho thấy xu hướng tăng và ngược lại. Bên cạnh đó, chiều cao của các cột cho thấy mức độ mạnh yếu của xu hướng, điều đó giúp bạn quyết định có nên tham gia giao dịch hay không.
Chỉ số sức mạnh tương đối (RSI)
Chỉ báo RSI – đo lường tốc độ phản ứng của giá – là một chỉ báo rất quan trọng giúp xác định liệu xu hướng thị trường có tiến gần đến đảo chiều hay không. Chẳng hạn, nếu một đồng tiền xuất hiện xu hướng mua đột ngột tăng thì chỉ báo RSI sẽ phản hồi bằng cách di chuyển nhanh lên phía trên. RSI hoạt động dựa trên nguyên tắc giá thị trường luôn tự điều chỉnh để phản ánh giá trị thực tế của tài sản. Do đó, chỉ báo RSI chuyển động nhanh lên phía trên cho thấy giá thị trường có thể quay đầu giảm, đảo ngược xu hướng tăng hiện tại. Để đánh giá khả năng xảy ra đảo chiều, chỉ số RSI được đo bằng các giá trị trong khoảng từ 0 đến 100. Các giá trị gần 0 hơn cho thấy khả năng đảo chiều tăng có thể xảy ra, trong khi các giá trị gần 100 cho thấy dấu hiệu đảo chiều giảm.
Chỉ báo khối lượng cân bằng (OBV)
Khối lượng giao dịch là một chỉ báo mang nhiều ý nghĩa. OBV thu thập rất nhiều thông tin về khối lượng và tổng hợp nó thành một đường tín hiệu duy nhất. Chỉ báo OBV đo lường cường độ mua/bán tích lũy bằng cách cộng vào khối lượng giao dịch của những ngày tăng giá và trừ đi khối lượng giao dịch của những ngày giảm giá. Trong trường hợp lý tưởng, khối lượng có thể xác nhận xu hướng. OBV tăng cho thấy xu hướng giá tăng; OBV giảm cho thấy xu hướng giá giảm. Điều quan trọng cần lưu ý là, nếu OBV đang tăng và giá không tăng, giá có thể sẽ theo sau OBV và bắt đầu tăng. Nếu giá đang tăng và OBV đi ngang hoặc đang giảm, giá có thể đang tiệm cận vùng đỉnh.
Dải Bollinger
Chỉ báo dải Bollinger được phát triển bởi nhà giao dịch kỹ thuật nổi tiếng John Bollinger. Dải Bollinger được giới hạn bởi hai đường có khoảng cách bằng hai độ lệch chuẩn so với đường trung bình động đơn giản. Giá của cổ phiếu nằm trong biên độ của dải trên và dải dưới cùng với đường trung bình động đơn giản 21 ngày nằm ở giữa. Các dải tự động mở rộng khi độ biến động tăng và thu hẹp khi độ biến động giảm. Dải Bollinger được sử dụng để dự đoán các thay đổi xu hướng có thể xảy ra trong tương lai.
Điều quan trọng cần lưu ý là, với các cài đặt chính xác, hơn 90% hành động giá dao động trong hai dải Bollinger. Khi các dải co lại gần nhau, dải Bollinger đang bó lại, báo hiệu mức độ biến động thị trường thấp. Đây có thể được coi là một tín hiệu cho sự gia tăng biến động trong tương lai.
Nhiều nhà giao dịch tin rằng giá càng tiến gần dải trên thì thị trường càng cho dấu hiệu quá mua, trong khi giá càng tiến gần dải dưới thì thị trường đang quá bán. Do đó, dải Bollinger được sử dụng để xác định các điểm đảo chiều và dự đoán những thay đổi về xu hướng giá.
Không có chỉ báo nào là chính xác tuyệt đối
Các chỉ báo có thể đơn giản hóa thông tin giá, cũng như cung cấp các tín hiệu giao dịch theo xu hướng hoặc cảnh báo về đảo chiều. Các chỉ báo có thể được sử dụng trên tất cả các khung thời gian và nhà giao dịch có thể tuỳ chỉnh các biến số tuỳ theo nhu cầu. Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là không có chỉ báo nào là một công cụ chính xác tuyệt đối. Khi nói đến giao dịch theo xu hướng, bạn nên sử dụng nhiều chỉ báo để xác định xu hướng.